Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Bài 6. Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu


Em tiếp tục viết ạ, nhưng bài này em muốn trao đổi một vấn đề, có lẽ không ít các thày cô giáo, các anh chị em làm việc trong viện nghiên cứu, hoặc anh chị em làm việc ở công ty có chung câu hỏi thế này: làm cách nào để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu?



 
Đây chính là câu hỏi từ một bình luận của một bạn trong bài viết trước của em. Vậy, trong bài viết này, em xin mạn phép đóng góp ý kiến theo góc nhìn của cá nhân em. Tất nhiên, em biết ở trong đây có rất nhiều cây đa cây đề trong nghiên cứu và thương mại hóa. Nhưng em vẫn viết ra đây, với suy nghĩ là, một cây làm chẳng nên non, nên mong được nhiều anh chị em đóng góp để những người khác được cùng học hỏi ạ.

Em trước kia, trong 8 năm làm việc ở viện nghiên cứu khoa học vật liệu Hàn Quốc (Korea Institute of Materials Science, KIMS), mặc dù hoàn thành việc học hành, mặc dù có hơn chục bài báo công bố quốc tế mặc dù có cả patent. Nhưng, sản phẩm thương mại hóa trong thời gian làm việc đó của em là một con số 0 tròn trĩnh. Trái lại, trong hơn 2 năm làm việc ở công ty, em không còn viết báo khoa học, cũng không có cả patent luôn, nhưng lại có khá nhiều sản phẩm từ phòng nghiên cứu đã được thương mại hóa, ví dụ như khá nhiều dung dịch mạ hóa nickel, quy trình và dung dịch xử lý bề mặt hợp kim magie, quy trình và dung dịch xử lý bề mặt nhôm và còn học được rất nhiều thứ khác. Các sản phẩm nghiên cứu đó đã và đang bán ra thị trường khá đều đặn.

Khi làm việc nghiên cứu ở công ty, em nhận ra sự khác biệt rất rõ ràng về mục đích nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của viện nghiên cứu và công ty. Khi ở viện hay ở trường đại học, nghiên cứu theo định hướng học thuật, các giáo thường chê mấy ông ở công ty không hiểu biết sâu sắc, ví dụ như hiểu biết về nguyên lý động học, hiểu biết về bản chất của nghiên cứu hay của sản phẩm nghiên cứu... còn ở công ty, các sếp thì hay chê lại mấy ông ở viện là, mấy ông đó amateur thôi, không ai dùng sản phẩm của mấy ông đó và các sản phẩm đó cũng không thể đi vào ứng dụng công nghiệp được. Tất nhiên, một cách không tuyệt đối, vẫn có khá nhiều sản phẩm nghiên cứu ở viện nghiên cứu được đưa vào thương mại hóa, nhưng nhìn nhận thẳng thắn, con số đó không hề nhiều nếu so với số tiền hay tiềm lực thiết bị và nhân lực của các viện nghiên cứu. Trái lại, phòng nghiên cứu một công ty trung bình, chỉ khoảng 3-5 người không quá xuất sắc về mặt chuyên môn nhưng lại phát triển được rất nhiều dòng sản phẩm được thương mại hoá thành công.

Để đưa ra nhận xét một cách đúng đắn nhất, em muốn nhận xét là: nghiên cứu theo hướng học thuật thì đi tìm cái mới nhất, còn nghiên cứu theo hướng thương mại thì đi tìm cái tốt nhất. Hoặc cách khác, nghiên cứu học thuật đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Why? Tại sao? Còn bên nghiên cứu thương mại thì tìm câu trả lời cho câu hỏi How? Bằng cách nào?

Nhìn chung, với câu trả lời trên, không phải chính xác như hai lần năm bằng mười, nhưng đó là xu hướng mà em nhận thấy. Với những nhà nghiên cứu theo hướng học thuật như ở các viện nghiên cứu, các lab của trường đại học thì việc nghiên cứu để cho ra các bài báo quốc tế được đặt lên hàng đầu. Không một tạp chí uy tín nào chấp nhận một bài báo khoa học mà không có cái mới, tức là, cái mới (new findings) chính là trái tim của một bài báo khoa học. Còn với công ty, họ dựa vào những thông tin của những cái mới đó, mà họ phát triển thành sản phẩm thương mại đủ tốt để cạnh tranh, đủ để sử dụng trong công nghiệp, thứ mà có thể mang lại lợi ích cho công ty. Cũng có nhiều nhóm nghiên cứu ở viện hay trường đại học hoạt động kiểu mô hình như bên công ty, họ cũng nghiên cứu để sản phẩm của họ được thương mại hóa. Nhưng vì việc nghiên cứu tách rời sản xuất và bán hàng/dịch vụ sau bán hàng nên các sản phẩm nghiên cứu thường làm theo các đơn đặt hàng, không có nhiều sự tích lũy và kế thừa.

Vấn đề tiếp theo, như em vừa nhắc bên trên, là vấn đề tích lũy, kế thừa và quản lý sản phẩm thương mại. Một sản phẩm thương mại không nhất thiết phải là sản phẩm mới trên thị trường, nó có thể được phát triển vài chục năm về trước, nhưng vẫn có thể tiếp tục được sản xuất thương mại nếu thị trường có nhu cầu. Trong suốt quá trình đó, việc sản xuất và liên tục nhận được những phản hồi từ phía bên tiêu dùng là cơ sở để công ty tiếp tục thay đổi và phát triển sản phẩm đó trở nên hoàn hảo hơn. Ví dụ như gói mì hảo hảo, được ra đời từ năm 2000 nhưng tới hiện tại, sau 20 năm vẫn được rất ưa chuộng trên thị trường. Trong hai chục năm đó, Acecook tiếp tục phát triển những dòng sản phẩm khác dựa trên nghiên cứu, kinh nghiệm và thông tin phản hồi từ khách hàng. Bản thân em cũng rất may mắn khi vào công ty, được kế thừa rất nhiều những di sản được gây dựng từ nhiều năm trước đó để lại. Nhờ cơ sở đó, việc nghiên cứu, thương mại hoá một sản phẩm mới trở nên nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều.

Khi nghiên cứu về học thuật, quan trọng nhất là những người có tác động đầu tiên đủ lớn để tạo ra xu hướng nghiên cứu, nó giống như cái thân cây, xu hướng này dựa trên những nền tảng căn bản có trước, nền tảng đó giống như gốc rễ. Xu hướng đó, có thể hấp dẫn rất nhiều nhóm nghiên cứu khác trên thế giới, họ cùng đổ xô đi theo, giống như phát triển ra các cành cây, có những cành cụt không phát triển được, nhưng có những cành ra hoa rồi kết quả. Còn các công ty, họ ở đâu: họ thường không đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, cũng không đi sâu vào nghiên cứu các tình tiết. Họ thường đến khi cây ra hoa, thậm chí muộn hơn, lúc ra quả. Họ chỉ muốn xem trái đó sử dụng được không, rồi chế biến thế nào, bảo quản thế nào, ăn thế nào. Một công ty chế biến được, thì các công ty khác cũng cố gắng đi theo để tranh giành trái ngọt đó. Việc em nhận xét trên đây là xu hướng đối với các công ty nhỏ vì họ không đủ mạnh, không đủ tiềm lực tài chính để tạo ra xu hướng dẫn đầu thị trường. Còn với các tập đoàn lớn, bản thân phòng nghiên cứu của họ cũng lớn hơn nhiều viện nghiên cứu, họ cũng hợp tác với nhiều công ty, trường đại học, nhiều nhóm trên thế giới thì việc tìm ra xu hướng và thương mại hóa sản phẩm là chính là tạo ra sự khác biệt của tập đoàn đó.

So sánh giữa nghiên cứu học thuật và nghiên cứu thương mại, xin đưa ra một ví dụ như thế này để dễ hình dung. Khi phát triển về lớp phủ hoá học cho vật liệu magie, đối với nghiên cứu về mặt học thuật thì tìm hiểu từ: vật liệu nền cấu trúc thế nào, nguyên lý động học hình thành lớp phủ thế nào, loại lớp phủ nào sẽ có phản ứng tốt với nền, đo lường tất cả các tính chất điện hoá: OCP, EIS, Polarization, electrochimical noise... tới tính ăn mòn muối, ăn mòn môi trường tự nhiên, điện trở, độ cứng, tính mài mòn... tới chụp cấu trúc tinh thể nhiễu xạ, cộng hưởng từ, SEM, FIB, TEM, AFM, XPS,… bla... bla… để hoàn thành được một loạt nghiên cứu đó có thể tiêu tốn tới vài năm trời. Còn ở công ty thì họ làm thế nào? Xuất phát từ yêu cầu bên phía khách hàng, họ mang vật liệu về, dựa vào những thông tin biết được của các nghiên cứu học thuật, họ thí nghiệm để tạo lớp phủ hoá học, kiểm tra ăn mòn... lặp đi lặp lại, tìm và kết hợp tất cả các chất có thể tạo ra lớp phủ chống ăn mòn tốt nhất. Xong, họ kiểm tra những tính chất cơ bản nhất bên khách hàng yêu cầu: điện trở bề mặt, màu sắc. Xong. Nói tóm lại, tính thực dụng/ứng dụng/thời gian được đặt lên hàng đầu.

Vậy câu hỏi, người nghiên cứu về mặt học thuật và nghiên cứu sản phẩm thương mại, ai giỏi hơn ai? Theo em, bên học thuật họ hiểu biết rất sâu sắc về các nguyên lý động học, họ biết được nếu vấn đề xảy ra thì cần xử lý theo hướng nào, họ có thể lựa chọn số mẫu chất để thử tạo lớp phủ là 10, thay vì 100. Họ hiểu biết sâu sắc về đứa con do mình tạo ra. Còn nhà nghiên cứu sản phẩm thương mại thì thay vì cất công đi tìm hiểu tất cả các tính chất trên, họ sẵn sàng thử 100 chất để tìm ra chất tốt nhất. Họ không cần hiểu bản chất nó là gì, họ chỉ cần biết sử dụng nó là tốt nhất. Còn nếu kết hợp được cả hai bên, thì đó là điều tuyệt vời rồi.

Khi phát triển một sản phẩm thương mại đang có nhu cầu sử dụng trên thị trường thì các công ty thường đi theo các định hướng sau:

- Một là, tìm đọc và tổng hợp các tài liệu nghiên cứu bên học thuật: sách, paper, patent… sau đó, dựa vào kinh nghiệm và kiến thức tổng hợp đó, đi thử các trường hợp để tìm ra bản cơ bản là tốt nhất. Sau này nhận được các thông tin phản hồi từ bên khách hàng, sản phẩm sẽ được cải thiện và thay thế để hoàn thiện hơn.

- Hai là, dựa vào sản phẩm của những công ty khác có mặt trên thị trường, họ mang về phân tích các nguyên tố, thành phần, nồng độ... rồi dựa vào đó rồi dự đoán cấu thành bên trong. Sau đó, thử nghiệm các dự đoán đó để chọn ra phương án tốt nhất.

- Ba là, dựa trên những kinh nghiệm và các sản phẩm đã sử dụng, có thể thay đổi những thành phần bên trong để có được sản phẩm mới, phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Vậy thêm một câu hỏi, khi tham khảo các tài liệu, nên tin vào các bài báo khoa học hay các patents (chứng nhận đăng ký độc quyền). Theo em là cả hai phía đều là nguồn tham khảo không quá tốt nhưng đủ để… tham khảo. Các bài báo thường cung cấp các thông tin ổn về mặt học thuật, về phương pháp nghiên cứu, nhưng nghèo nàn về tính thương mại, do các bài báo thường tập trung sâu vào một mảng rất nhỏ và tìm cái mới trong đó. Các patent thì thường chứa nhiều thông tin hơn, nhưng khi nghiên cứu và cho ra patent, thường họ che đạy đi những thành phần quan trọng nhất, để tránh bị bắt chước. Thậm chí, nhiều thông tin có thể bị sửa đổi, hoặc thêm một vài thành phần khác lạ vô tác dụng vào các phiên bản thương mại để làm nhiễu loạn cho những công ty khác nếu có ý định phân tích để bắt chước.

Vấn đề bản quyền sản phẩm (patents). Ở các công ty nhỏ hiện nay không còn quá mặn mà vì patents đôi khi không đủ sức bảo vệ nổi cho những công ty sở hữu nó. Việc các công ty khác sử dụng thông tin từ patents sau đó sửa đổi hay thậm chí phát triển các phiên bản sản phẩm thương mại khác tốt hơn sản phẩm của mình là hoàn toàn có thể. Vì vậy, để không bị lộ thông tin thì tốt nhất là giữ kín để sản xuất. Còn việc giữ kín công nghệ của mình thế nào thì có lẽ là tuỳ cách làm của mỗi công ty. Như công ty em đang làm thì một sản phẩm thương mại khi sản xuất thường được chia ra làm nhiều nhóm phụ trách, mỗi nhóm pha chế một thành phần nào đó, sau đó mỗi thành phần đó có những mã hiệu riêng, được đưa xuống xưởng để pha chế theo tỷ lệ quy định.

Trên đây, là những ý kiến cá nhân của em về việc nghiên cứu học thuật và thương mại hoá. Rất mong được thêm những ý kiến của các anh chị em để nội dung bài viết được hữu ích hơn. Thôi, dài dòng quá rồi, em tạm dừng ở đây đã.

Chú ý: Những bài viết của em cũng được lưu lại trong trang blog cá nhân: http://ngvanphuong.blogspot.com/ Các ACE nếu có đăng lại bài viết của em, vui lòng ghi nguồn tham khảo bằng link trên hoặc là: "Nguyễn Văn Phương, MSC Co., Ltd. Incheon, Korea" nhé. Em xin cảm ơn ạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét